Thông tin từ báo VnExpress, trưa ngày 19/7, ông Lê Trung Chinh - chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã thông tin vấn đề đón công dân từ TP.HCM về địa phương.
Theo đó, thay vì kế hoạch di chuyển bằng ô tô như ban đầu, UBND TP. Đà Nẵng đã chuyển qua phương án đón bà con bằng máy bay. Cụ thể, 618 người sẽ chia thành 3 chuyến lúc 10 giờ, 14 giờ và 18 giờ ngày 21/7. Trong đó, bà con thuộc các huyện Hòa Vang, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn sẽ bay chuyến 10 giờ. Bà con thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu sẽ bay chuyến 14 giờ. Chuyến 18 giờ sẽ dành riêng cho những người đến muộn và bà con thuộc quận Sơn Trà.
Chuyến xe đưa người Đà Nẵng về quê trước đó. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Theo thông tin từ Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM, nhằm tiết kiệm thời gian, những ai đã đăng ký và nằm trong danh sách được hỗ trợ về quê cần chuẩn bị đủ giấy tờ tùy thân để lên máy bay, chủ động test nhanh trước 24 giờ kể từ thời điểm lên máy bay, nếu chưa làm kịp, bà con có mặt trước giờ bay 2 giờ để làm xét nghiệm…
Ngay sau khi xuống sân bay, các bà con sẽ được ô tô trực sẵn đưa về khách sạn cách ly tập trung. Hiện tại, TP. Đà Nẵng đã huy động được 5 khách sạn trên địa bàn, hỗ trợ bà con từ TP.HCM cách ly tập trung.
Chia sẻ với báo VnExpress, ông Phan Văn Sơn - Phó chánh văn phòng UBND TP. Đà Nẵng nói: " Khách sạn miễn phí tiền ở, người dân chỉ mất tiền ăn và dịch vụ như một cơ sở cách ly của nhà nước ". Mức phí tại cơ sở cách ly của nhà nước theo quy định khoảng 80.000 đồng tiền ăn và 40.000 tiền dịch vụ mỗi ngày.
Một khách sạn ở quận Sơn Trà được trưng dụng làm điểm cách ly người về từ vùng dịch. (Ảnh: VnExpress)
Bên cạnh TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng lên tiếng về việc đón người địa phương từ TP.HCM về quê nhà. Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết vẫn giữ nguyên kế hoạch đưa người từ TP.HCM về quê nhà, dù đã tiếp nhận thông tin nam tài xế xe C.N dương tính SARS-CoV-2.
Chia sẻ vào ngày 19/7, ông Minh cho biết: " Tỉnh vẫn giữ nguyên kế hoạch đưa 400 người dân Quảng Ngãi đang khó khăn tại TP.HCM về. Dù có bất kỳ khó khăn hay thay đổi gì tỉnh cũng sẽ tính toán, bàn giải pháp và thực hiện đúng kế hoạch đề ra ".
Bà con hào hứng khi được trở về quê nhà. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM)
Trước Đà Nẵng, UBND tỉnh Bình Định cũng đã huy động nguồn ngân sách từ xã hội hóa, thực hiện 4 chuyến bay chở 1.000 người địa phương từ các tỉnh phía Nam về quê hương. Chuyến bay này sẽ ưu tiên cho những người lao động, sinh viên khó khăn đang làm việc và học tập ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói: " Ở quê nhà, chúng tôi đã có những sự chuẩn bị chu đáo để giúp người dân yên tâm sống, sinh hoạt trong các khu cách ly tập trung một cách an toàn. Sau khi xuống sân bay, người dân sẽ được đưa thẳng về khu cách ly tập trung.
Tại đây, các nhân viên y tế sẽ thực hiện các quy trình phòng, chống dịch cho bà con: khai báo y tế, đo thân nhiệt, xét nghiệm... Toàn bộ chi phí trong thời gian sống tại các khu cách ly tập trung đều được miễn phí cho mọi người. Về quê thì có cháo ăn cháo, có rau ăn rau nhưng được về nhà sẽ ấm lòng, sẽ giảm khó khăn, vất vả cho bà con".
Hành khách sẽ được di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Nhân Dân)
Tình hình bệnh dịch còn nhiều phức tạp, nhiều địa phương khác như Bình Thuận, Gia Lai, Thừa Thiên - Huế,... cũng đã lên phương án đưa người về quê. Trong thời điểm khó khăn như hiện tại, những chuyến xe hay máy bay "cứu trợ" này chính là "liều thuốc" tinh thần cho tất cả mọi người.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN !
NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở SÀI GÒN NHẬN TIỀN HỖ TRỢ MÙA DỊCH
Từ chiều ngày 14/7, nhiều UBND phường, huyện trên địa bàn TP.HCM đã bắt đầu trao tặng tiền hỗ trợ cho người lao động tự do. Cầm những đồng tiền hỗ trợ tuy ít ỏi nhưng thấm đẫm nghĩa tình, nhiều người không kìm được cảm xúc, mắt đỏ hoe, rưng rưng khóc.
Chia sẻ với báo VTC News, anh H. (ngụ tại quận Gò Vấp) cho biết: "Dịch bệnh khó khăn quá, số tiền này cũng đỡ phần nào vì nhà có con nhỏ. Chắc là mua sữa cho thằng cu với đồ ăn. Cảm ơn nhà nước, chính quyền đã tạo điều kiện cho người lao động tự do". Được biết, vợ chồng anh H. đều là buôn bán tự do, dịch kéo dài nên tiền tiết kiệm đã tiêu hết. Trong thời điểm này, tiền hỗ trợ mùa dịch như "chiếc phao cứu sinh" giúp anh vượt qua những tháng ngày khó khăn.