Mẩu da có dấu vết của coronavirus
Ngày 10/11/2019, người phụ nữ Italia, 25 tuổi đến thăm khám tại Bệnh viện Policlinico thuộc Đại học Milan ở Milan, Italia với biểu hiện là đau họng và tổn thương da – những triệu chứng của căn bệnh COVID-19 xuất hiện và bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc trong một tháng sau đó.
Bác sĩ da liễu Raffaele Gianotti là người đã tiếp nhận điều trị da liễu cho bệnh nhân này và lấy mẫu da khi đó. Và khi đại dịch COVID-19 tấn công Italia vào đầu năm 2020, bác sĩ Gianotti đã lấy các mẫu da được lưu trữ tại Bệnh viện Policlinico để tiến hành nghiên cứu, nhằm tìm kiếm các trường hợp COVID-19 khả năng chưa từng được xác định. Kết quả, trên mẩu da nhỏ của người phụ nữ trên, có dấu vết của coronavirus, hơn 6 tháng sau khi cô ấy đến khám bệnh.
Hai xét nghiệm trên mẫu da này cho thấy sự hiện diện của protein gai (protein quan trọng nhất mà virus dùng để gắn vào thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ) và nucleocapsid - vỏ protein của virus. Tuy nhiên, bác sĩ Gianotti không thể phân tích đủ RNA từ mẫu da này để giải mã trình tự gene của virus vì mẫu da đã quá suy thoái. Được biết, nếu có thể giải mã trình tự, đây sẽ là bước xác nhận thứ 3 cho phép các nhà khoa học so sánh nó với trình tự của các trường hợp ở Trung Quốc, từ đó đưa ra lời khẳng định chắc chắn hơn.
Bác sĩ Massimo Barberis, đồng tác giả nghiên cứu với bác sĩ Gianotti về mẫu da, và là Giám đốc phòng khám chẩn đoán mô bệnh học và phân tử của Viện Ung thư châu Âu ở Milan chỉ ra rằng có khả năng người phụ nữ trên đã mắc COVID-19 không có triệu chứng.
Mẫu da có dấu vết của COVID-19, hiện được bảo quản tại văn phòng của nhà nghiên cứu ở Milan. Các nhà khoa học của WHO cho biết nghiên cứu bổ sung về trường hợp của người phụ nữ này có thể giúp xác định thời gian mà virus có khả năng bắt đầu lây lan ở Trung Quốc và các nơi khác, trước khi một loạt ca bệnh bùng phát tại chợ hải sản ở Vũ Hán vào tháng 12/2019.
Tuy nhiên, một rào cản lớn là không ai biết người phụ nữ kia là ai hoặc ở đâu. Ngày 27/3/2021, bác sĩ Gianotti đã đột ngột qua đời ở tuổi 61, vài ngày sau khi nhóm các nhà khoa học của WHO yêu cầu nghiên cứu thêm về bệnh nhân. Vợ ông, bà Roberta Massobrio, cho biết chồng mình không chết vì COVID-19.
Các nhà đồng nghiên cứu với bác sĩ Gianotti, bao gồm ông Barberis, nói rằng họ không biết tên, chi tiết liên lạc hoặc nơi cư trú của chủ nhân mẫu da. Bệnh viện Policlinico của Milan và Đại học Milan, nơi giám sát trường hợp của người này, cũng nói rằng họ không có thông tin chi tiết của bệnh nhân.
Manh mối lịch trình về sự lây lan sớm của coronavirus
Các nhà khoa học của WHO trước đó kiến nghị rằng việc kiểm tra các trường hợp nghi ngờ trước đó có thể giúp tìm ra manh mối về sự lây lan sớm của coronavirus.
Nếu vật liệu di truyền của những trường hợp nhiễm virus đầu tiên có thể được phục hồi, các nhà khoa học có thể xác định được mối liên quan của các trường hợp này với đại dịch. Do vậy, họ đã yêu cầu các ngân hàng máu ở một số quốc gia xét nghiệm lại các mẫu từ cuối năm 2019 để tìm sự hiện diện của kháng thể coronavirus.
Và xét nghiệm máu của người phụ nữ khám tại bệnh viện Milan vào tháng 6 năm 2020 cho kết quả dương tính với kháng thể coronavirus. Các nhà khoa học cho biết trường hợp của người phụ nữ này cho thấy coronavirus có thể đã lưu hành ở Trung Quốc và các nơi khác rất lâu trước khi bùng phát tại chợ hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán vào tháng 12/2019. Theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu sâu hơn về trường hợp của người phụ nữ trên có thể giúp xác định thời gian xuất hiện và lây lan của coronavirus là từ khi nào và bao lâu.
Hiện trong giới khoa học còn tồn tại nhiều giả thuyết về nguồn gốc của dịch bệnh, và đây cũng là một giả thuyết mà các nhà khoa học đang đi tìm câu trả lời.
Hà Anh
( heo Daily Mail, Wall Street Journal )